Lịch sử Văn_minh_lúa_nước

Các cuộc khảo cổ gần đây đã chứng minh sự tồn tại của con người trên lãnh thổ Việt Nam từ thời Đồ đá cũ. Vào thời kỳ Đồ đá mới, các nền văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn (gần 10.000 năm trước CN) đã chứng tỏ sự xuất hiện của nông nghiệp và chăn nuôi, có thể là cả nghệ thuật trồng lúa nước[5].

Các nhà khảo cổ tìm thấy trong lớp đất bên dưới khu khảo cổ thuộc Văn hóa Hòa Bình những hạt thóc hóa thạch khoảng 9260-7620 năm trước. Nhưng theo nhiều nhà khảo cổ, đa số di tích, di vật tìm thấy ở Thái Lan, khi định tuổi lại thấy muộn hơn nhiều so với tuổi định ban đầu trước đó khi người ta tìm thấy những di tích về văn minh lúa nước.

Tranh mô tả việc trồng lúa nước Nhật Bản-một nhánh từ Đông Nam Á

Vết tích bữa cơm tiền sử nấu với gạo từ lúa mọc hoang xưa nhất thế giới, 13.000 năm trước, được một nhóm khảo cổ Mỹ-Trung Hoa tìm thấy trong hang Diaotonghuan phía nam sông Dương Tử (bắc tỉnh Giang Tây). Cư dân sống trong vùng này đã biết thử nghiệm các giống lúa và cách trồng trong thời gian dài tiếp theo đó. Điều này đă được nhóm khảo cổ chứng minh qua sự tăng độ lớn phytolith của lúa (phần thực vật hoá thạch, tồn tại nhờ giàu chất silica) lắng trong những lớp trầm tích theo thời gian. Tin này đã được đăng trên tạp chí khoa học Science, năm 1998. Các nhà khoa học nghiên cứu về phytoliths - thạch thể lúa - này đă chứng minh rằng từ 9000 năm trước dân cổ ở vùng đó đã ăn nhiều gạo của lúa trồng hơn lúa hoang. Nhóm cư dân bản địa này cũng bắt đầu làm đồ gốm thô xốp bằng đất trộn trấu. Kinh nghiệm về trồng lúa tích tụ tại đấy trong mấy ngàn năm đă đưa đến nghề trồng lúa trong toàn vùng nam Dương Tử. Di tích xưa thứ hai, 9000 năm trước, là Pengtou, gần hồ Động Đình phía nam sông Dương Tử. Hơn bốn mươi chỗ có di tích lúa cổ hàng ngàn năm đă được tìm thấy ở vùng nam Trường Giang. Gần cửa biển nam Trường Giang, di tích Văn hóa Hà Mỗ Độ cho thấy văn minh lúa nước trong vùng lên đến trình độ rất cao vào 7.000 năm trước, sớm hơn cả di tích làng trồng kê Banpo (Bán Pha) xưa nhất của dân tộc Hán phương Bắc.

Hà Mỗ Độ là một làng vài trăm người sống trên nhà sàn trong vùng đầm lầy ở cửa sông Tiền Đường. Dân Hà Mỗ Độ đã trồng lúa, ăn cơm, để lại lớp rơm và trấu dày 25–50 cm, có nơi dày đến cả mét, trên diện tích 400 mét vuông. Có thể đó là lớp rác để lại trên sân đập lúa. Di chỉ thực vật củ ấu, củ năng, táo và di cốt động vật hoang hươu, trâu, tê giác, cọp, voi, cá sấu... cho thấy khí hậu vùng Nam sông Dương Tử bấy giờ thuộc loại nhiệt đới, hoàn toàn thích hợp với việc canh tác lúa nước.

Nền văn hoá Hà Mỗ Độ xưa bảy ngàn năm có nhiều điểm gần gũi với văn hoá Phùng Nguyên-Đông Sơn vốn là những văn hoá trẻ hơn nhiều sau hơn 3000 năm. Cư dân vùng nam Trường Giang lúc ấy có lẽ gần với cư dân Bắc Việt về mặt chủng tộc và văn hoá hơn cư dân bắc Trung Hoa. Khuôn mặt đắp từ sọ người Hà Mỗ Độ trưng bày ở Viện Bảo tàng Hà Mỗ Độ cho thấy họ giống người thuộc chủng Nam Mongoloid, tức là chủng của người Việt Nam từ thời Đông Sơn về sau. Sau văn hoá Hà Mỗ Độ, hàng loạt văn hoá lúa nước khác đã sinh ra dọc lưu vực sông Trường Giang khoảng 4000 năm trước như Liangzhu, Majiabin, Quinshanyang, Qujialing, Daxi, Songze, Dadunze.

Điều kiện đồng bằng sông Hồng là nơi rất thích hợp cho lúa hoang và sau này là lúa trồng. Thật là kỳ lạ, người Việt trong cộng đồng chủng Nam Mongoloid là tổ tiên của văn minh lúa nước.